Đẩy mạnh công tác dinh dưỡng nâng cao chất lượng điều trị

25/09/2019 10:58

Trong những năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp với Công ty Abbott thực hiện thành công Dự án “Đẩy mạnh công tác dinh dưỡng nâng cao chất lượng điều trị”. Dự án đã thu được nhiều kết quả tích cực trong khâu sàng lọc và đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng của bệnh nhân nội trú, giúp nâng cao nhận thức của các bác sĩ, điều dưỡng và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

 

Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới về dinh dưỡng lâm sàng, ngày 24/9/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với Công ty Abbott tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng từ lý thuyết đến thực hành”. Đến dự buổi hội thảo, về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có: GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện; PGS.TS Trịnh Văn Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa; TS Lưu Quang Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa; ThS. Đỗ Tất Thành – Trưởng Khoa dinh dưỡng và toàn thể lãnh đạo, điều dưỡng trưởng, điều dưỡng trưởng khu vực đến từ các Viện, Trung tâm, Khoa, Phòng bệnh viện; đại diện lãnh đạo Khoa dinh dưỡng của các bệnh viện khu vực Hà Nội.

 

Về phía Công ty Abbott có: Ông Trần Duy Giao – Quản lý khách hàng trọng điểm khu vực miền Bắc và miền Trung.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Trần Bình Giang nhấn mạnh vai trò dinh dưỡng trong điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh sau phẫu thuật. Trước  đây vai trò dinh dưỡng cho người bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Ở hầu hết các bệnh viện, vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh thường phó mặc cho người nhà. Trong khi đó việc đưa lượng dinh dưỡng vào người bệnh lại là một liệu pháp điều trị bệnh cần thiết và hiệu quả.

GS. TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phát biểu khai mạc

PGS.TS Trịnh Văn Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa chia sẻ về vai trò của dinh dưỡng qua đường tiêu hóa cho bệnh nhân nặng, giúp cung cấp các chất dinh dưỡng như Protein và năng lượng cho cơ thể giúp bảo vệ các chức năng sống của sống của các cơ quan và giảm phá hủy các khối cơ xương, cung cấp các chất cần thiết để sửa chữa và hồi phục các vết thương và các tổn thương, duy trì sự toàn vẹn chức năng niêm mạc đường tiêu hóa, thúc đẩy các đáp ứng của cơ thể với các stress và cải thiện cũng như hạn chế các di chứng.

PGS.TS Trịnh Văn Đồng – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa chia sẻ về Vai trò của dinh dưỡng qua đường tiêu hóa cho bệnh nhân nặng.

Đến với buổi hội thảo, TS Lưu Quang Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa mang đến những kỹ năng về Dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng không dung nạp tiêu hóa. Trong đó, nguyên tắc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đại phẫu: Không bao giờ có bệnh nhân phẫu thuật chương trình mà chưa được sàng lọc suy dinh dưỡng. Dinh dưỡng cho người bệnh phẫu thuật ngoài đường tiêu hóa giúp giảm thời gian nằm viện sau khi phẫu thuật, giảm tỷ lệ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong và chức năng đường tiêu hóa sớm hoạt động trở lại. Mục tiêu của nuôi dưỡng đường ruột là cung cấp các dưỡng chất thiết yếu để yếu để ruột điều chỉnh quá trình bệnh lý cũng như chức năng hàng rào bảo vệ ruột. Nhu động ruột hoạt động từ 6 giờ đến 8 giờ sau khi phẫu thuật và khả năng hấp thụ tồn tại ngay cả trong trường hợp không có nhu động ruột bình thường.

TS Lưu Quang Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa mang đến những kỹ năng về Dinh dưỡng bệnh nhân nặng.

Các bác sĩ, điều dưỡng tham gia hội thảo đặt câu hỏi cho các chuyên gia

Hội thảo Hướng dẫn can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng từ lý thuyết đến thực hành đã kết thúc thành công tốt đẹp.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: